Đây là một thực trạng diễn ra khá phổ biến trên thị trường Việt Nam được ông Nguyễn Thành Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản Thiên Khôi đề cập đến khi nói về xu hướng đầu tư trong thời gian qua.
Chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Thành Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản Thiên Khôi cho rằng, có một thực trạng khá phổ biến trên thị trường, đó là rất nhiều người dân có tiền nhưng chưa biết đầu tư, sản xuất kinh doanh vào đâu cho hiệu quả thì đều nghĩ đến việc đi mua đất.
“Thực tế cho thấy, trong vòng 20 năm qua, giá đất luôn tăng, thậm chí dự báo trong tương lai, đi cùng với sự phát triển kinh tế là phát triển hạ tầng cũng kéo theo giá đất càng tăng lên. Điều này khiến mọi người càng đặt niềm tin vào bất động sản và mua để đầu tư”, ông Dũng cho hay.
Nhìn chung, ông Dũng vẫn đánh giá bất động sản vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn và tiềm năng. Tuy nhiên, khi tăng giá trị bất động sản thì cần đảm bảo tạo ra nhiều giá trị tốt hơn cho nền kinh tế – xã hội khu vực đó thay vì chỉ nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi.
Xét về yếu tố cân bằng trên thị trường, Chủ tịch Thiên Khôi cho rằng, vẫn sẽ có những nhà đầu tư nhạy bén, biết cách tìm kiếm các phương án đầu tư kinh doanh khác nhau. Nhóm nhà đầu tư này có thể nhìn thấy cơ hội rất sớm về quy hoạch, thông tin… Và đến khi thời điểm sốt nóng, họ sẽ nhanh chóng thu hồi vốn và tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư ở khu vực khác.
Nói riêng về thị trường bất động sản Hà Nội, ông Dũng nhận định giá đất đang ở ngưỡng rất cao, khiến kỳ vọng về biên độ tăng giá sẽ không còn nhiều. Và với mặt bằng giá mới hiện nay, về trung hạn 3-5 năm, mức giá vẫn sẽ tốt. Còn trong ngắn hạn 1-2 năm, giá bất động sản ở Hà Nội thì không thể tích cực ngay được.
Trước đó, tại một sự kiện bất động sản vừa diễn ra, ông Dũng cho biết, giá bất động sản tăng cao có thể được xem là kết quả tích cực đối với các nhà đầu tư, thậm chí các nhà đầu cơ bất động sản. Tuy nhiên, đây là một con số không tích cực bởi những người mua, người tiêu dùng cuối bất động sản đang gặp phải khó khăn lớn nhất định.
“Với vai trò là đơn vị môi giới, chúng tôi không kỳ vọng giá được đẩy lên cao mà chỉ mong sao có nhiều giao dịch ở phân khúc thấp thì mới có biên độ tăng trưởng, vòng quay nhiều. Các bạn trong vai trò môi giới chạm tới người mua dùng cuối sẽ có hiệu quả hơn. Việc đẩy giá lên quá cao chỉ có lợi cho người có sẵn nguồn hàng để bán”, ông Dũng nói.
Mặt khác, giá tăng cao, thị trường sẽ phản ứng ngay. Đó là giá tăng, sức mua sẽ giảm. Ông Dũng diễn giải, sức mua đến từ dòng tiền, sự tích lũy tài chính của người dân, cũng như đến từ các nhà đầu tư trên thị trường.
Kinh tế Việt Nam phát triển trong những năm qua không thực sự quá mạnh bởi trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19 cùng với những khó khăn của thị trường bất động sản, tích lũy chưa thực sự cao. Bên cạnh đó, thị trường tài chính chưa có lượng tiền đủ tốt đổ vào thị trường bất động sản.
Do đó, giá tăng cao khiến sức mua thị trường bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nguồn cung nhà ở xã hội sắp tới dự báo gia tăng cũng tác động đến sức mua thị trường. Như vậy, tiềm năng phát triển giá bất động sản 2025 ở Hà Nội khó thể tăng cao, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ để đảm bảo tính cân bằng cung cầu, ông Dũng cho hay.
Được biết, theo dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn, giá rao bán trung bình chung cư tại Hà Nội có xu hướng sụt giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Mức độ quan tâm đối với phân khúc này cũng sụt giảm tương ứng 3%.
Nguồn:https://markettimes.vn/20-nam-qua-gia-bat-dong-san-lien-tuc-tang-nguoi-dan-co-tien-nhung-chua-biet-san-xuat-kinh-doanh-gi-deu-nghi-den-viec-di-mua-dat-72306.html