Hiện nay, nhiều trường hợp đồng sở hữu đất hoặc căn hộ chung cư được ghi nhận. Điển hình là các chung cư mini tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hình thức sở hữu chung thửa đất và được xây dựng nhà phân lô (sở hữu riêng) cũng được hình thành rầm rộ.
Nhà sổ hồng chung được hiểu là nhà nằm trên một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên nhiều người. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc nhà có sổ hồng chung là: Nhà có đủ điều kiện để tách sổ nhưng khi bán, chủ cũ vẫn chưa tách sổ; Nhà không đủ điều kiện để tách sổ (đất không đủ điều kiện để tách thửa theo quy định pháp luật).
Luật Đất Đai 2013 không cấm hành vi mua bán chuyển nhượng BĐS chung nhiều chủ sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt lợi về chi phí, giá cả, mô hình này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ.
Trước hết, phải nói đến lợi thế của mô hình này.
Tại các thành phố lớn, việc sở hữu nhà ở tại những vị trí thuận lợi rất khó khăn. Khó khăn lớn nhất là về giá cả, chi phí. Tại các vị trí này luôn có nhu cầu rất lớn, đồng nghĩa với việc không phải ai cũng có khả năng để mua được những bất động sản đó. Do đó, mô hình xây dựng các chung cư mini cũng được phổ biến hơn.
Với chung cư mini, người mua sẽ có mặt lợi lớn.
Thứ nhất, sở hữu được căn hộ tại vị trí thuận lợi. Thuận tiện về giao thông và tiện ích.
Thứ 2, thông thường căn căn hộ mini này có diện tích rất nhỏ (25-30m2), không đủ điều kiện để cấp sổ riêng, nhưng đổi lại, chi phí cho các căn hộ này sẽ giảm đi rất nhiều. Phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình.
Hoặc với mô hình xây nhà đất chung sổ cũng vậy. Với mô hình này, nhiều hộ gia đình mua những căn nhà xây sẵn. Có sổ hồng chung. Chi phí để sở hữu nhà ở giảm đi rất nhiều do hạn chế được tiền sử dụng đất phải nộp.
Tuy nhiên, khách hàng sẽ đối mặt nhiều nguy cơ
1. Không được tách sổ
Thực tế không phải ai cũng có thể thuận lợi trong việc tách sổ. Nhiều trường hợp do khu đất chung có diện tích quá nhỏ, không đảm bảo diện tích tối thiểu tách thửa nên việc tách sổ là bất khả thi.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp thực hiện việc tách sổ nhưng phải chờ đợi trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến dòng vốn của nhà đầu tư. Vì vậy, mua nhà sổ hồng chung rất bất tiện.
2. Khó chuyển nhượng, khó thế chấp
Nhà sổ hồng chung cũng rất khó chuyển nhượng, mua bán sang tên do bất cứ giao dịch nào cũng phải được sự đồng ý của tất cả những người đồng sở hữu.
Hơn nữa, do những rắc rối liên quan đến việc đồng sở hữu cũng như những rủi ro về pháp lý nên hồ sơ thế chấp nhà sổ hồng chung để vay vốn khó được ngân hàng chấp thuận. Ngân hàng sẽ yêu cầu bạn phải tách sổ trước khi dùng tài sản này để vay thế chấp.
3. Dễ xảy ra tranh chấp
Nhà sổ hồng chung thuộc sở hữu của nhiều người, do đó rất dễ xảy ra tranh chấp trong việc khai thác công dụng, hưởng lợi tức. Nếu không có sự thỏa thuận, thống nhất hợp lý giữa các bên thì rất dễ xảy ra tranh chấp.
Vì vậy, bạn cần lưu ý theo Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, các tranh chấp liên quan đến mua nhà đất sổ chung thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân nơi có đất.
4. Dễ bị lừa đảo
Các đối tượng lừa đảo sẽ đánh vào tâm lý của người mua rồi mua đất (có sổ đỏ) chia nhỏ, xây thành từng căn và quảng cáo bán nhà giá rẻ, có sổ hồng. Nhiều người mua nhà vì quá tin tưởng vào những lời dụ dỗ ngon ngọt, lo mất suất mua nhà giá rẻ nên vội vàng “xuống tiền”.
Nhiều trường hợp khi đến tận nơi, người mua mới biết là nhà được xây trên đất sổ chung. Lúc này bên bán hẹn khi chồng đủ tiền, giao dịch xong xuôi thì sẽ làm thủ tục tách sổ. Nhưng bên bán chây ì, thậm chí bỏ trốn. Người mua rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Lợi ích lớn nhưng cũng đầy rủi ro, vì vậy, người mua cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định.
(nguồn tham khảo: https://laodong.vn/bat-dong-san/diem-mat-nhung-rui-ro-khi-mua-nha-so-hong-chung-867880.ldo)
Trả lời