Dù không ít biến động, nhưng nhiều chuyên gia cùng nhận định, thị trường BĐS vẫn ổn định và là cơ hội tốt để NĐT cân nhắc chuyển đổi từ những khoản đầu tư khác sang nhằm bảo toàn vốn.
Quả thực, dù không còn cơ hội cho những NĐT lướt sóng kiếm lời, nhưng BĐS vẫn là kênh được đa số NĐT quan tâm lựa chọn, ngay cả ở thời điểm biến động vì dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, giữa lúc thị trường đang gặp thách thức và khó khăn, kết hợp với những cơn sốt đất hạ nhiệt,NĐT nên chuẩn bị nguồn dòng vốn hướng tới đầu tư trung – dài hạn. NĐT không nên kỳ vọng nhiều vào việc đầu tư lướt sóng không chỉ ở thời điểm này mà cả trong vài năm tới. Do thị trường BĐS Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã thiết lập nên mặt bằng giá mới trên diện rộng.
Mặc dù thị trường vẫn xuất hiện một số NĐT tham gia lướt sóng kiếm lời ở những điểm nóng song theo một số chuyên gia, tỷ lệ lướt sóng thành công sẽ thấp hơn những năm trước.
Rõ ràng, hiện thị trường BĐS đang bước vào giai đoạn bình thường mới và chỉ dành cho các nhà đầu tư trung và dài hạn, không còn cơ hội lướt sóng.
Chia sẻ trên báo chí, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận định, lãi suất vay mua nhà giảm, trong khi đó nhiều chủ đầu tư lại đưa các chính sách, gói ưu đãi sản phẩm hợp lý cũng mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho cả người đầu tư lẫn khách hàng có nhu cầu sở hữu nhà ở. Thị trường khó khăn chính là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn bởi họ luôn hướng đến khoản lợi nhuận từ 3-5 năm chứ không kỳ vọng “nhảy sóng” tức thì.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận BĐS trước đến nay vẫn là kênh hấp dẫn NĐT. Dù có những thời điểm dòng tiền bị chia lửa với các kênh như vàng, chứng khoán, hay tiết kiệm… nhưng cuối cùng, những kênh này cũng lại đổ tiền vào BĐS. Ông Mai Đức Toàn, một chuyên gia hơn 20 năm trong lĩnh vực BĐS cho biết, việc mang tiền đi đầu tư – chốt lời – mua đất để dành là câu chuyện quá quen thuộc. Bởi lẽ, tâm lý của nhà đầu tư luôn muốn tìm kiếm 1 kênh trú ẩn an toàn và đây là lý do BĐS luôn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu. Trên thực tế, nếu đổ tiền vào BĐS trong dài hạn tỷ suất lợi nhuận của nhà đất luôn cao hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác.
Chia sẻ mới đây, vị chuyên gia này khẳng định, khi BĐS chậm lại, dòng tiền đổ về chứng khoán mạnh hơn để tìm kiếm những kênh chốt lời nhanh, linh hoạt. Sau thời kỳ chứng khoán thăng hoa, một lượng lớn dòng vốn chốt lãi từ chứng khoán sẽ đổ vào BĐS để giữ tiền, còn gọi là xu hướng hiện thực hóa tài sản. Mặt khác, nếu thị trường chứng khoán có biến động tiêu cực, nhà đầu tư tài chính nhiều khả năng quay lại thị trường địa ốc để tìm một bến đỗ an toàn hơn/
Một cách dễ hiểu hơn, dòng tiền từ BĐS đổ về chứng khoán chỉ là câu chuyện trong ngắn hạn. Bởi sau khi chốt lời từ chứng khoán, nhà đầu tư sẵn sàng rút cả vốn lẫn lãi hoặc một phần trong số đó quay ngược về BĐS để bảo vệ tài sản và tìm kiếm lợi nhuận ổn định từ kênh đầu tư “vua” này. Sau khi nóng sốt, các NĐT ở các kênh khác sẽ sắp xếp lại nguồn tiền, nhanh chóng rút về và tìm kênh trú ẩn an toàn ở BĐS.
Ghi nhận ở các đơn vị tư vấn cho thấy, có lượng đầu tư lớn vẫn đang chờ đợi bỏ tiền vào BĐS. Bởi thị trường BĐS vẫn ổn định và là cơ hội tốt để nhà đầu tư cân nhắc chuyển đổi từ những khoản đầu tư khác sang nhằm bảo toàn vốn.
Dữ liệu từ Bộ phận nghiên cứu Savills toàn cầu cũng chỉ rõ: thị trường văn phòng, nhà ở và lĩnh vực hậu cần tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trong năm 2021. Đây là năm hứa hẹn sự phục hồi, tăng trưởng và mang tới nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư. Bất chấp những tác động bất lợi từ Covid-19 đối với BĐS, vẫn còn lượng đầu tư lớn đang chờ đợi để nhắm vào các thị trường mục tiêu ngay khi tình hình dịch trở nên lạc quan hơn. Lĩnh vực hậu cần, bất động sản công nghiệp tiếp tục là lựa chọn hàng đầu trong năm nay. Lĩnh vực văn phòng được dự đoán quay lại hoạt động tích cực ngay khi các chương trình liên quan tới vaccine được triển khai rộng rãi trên thế giới.
Theo bà Đặng Phương Hằng, tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, các tài sản BĐS tại Tp.HCM được cho là có nhiều tiềm năng để tăng giá trị và tỷ suất sinh lời cao. Bên cạnh các NĐT tìm kiếm tài sản có tiềm năng tăng giá trị và tài sản cốt lõi thì một số NĐT bắt đầu tìm kiếm tài sản đang bị áp lực tài chính.
Còn theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nếu như thế hệ trước, vào những thời điểm bất ổn như chiến tranh, dịch bệnh, NĐT cá nhân thường tích trữ vàng.Tuy nhiên, giờ đây, BĐS luôn là kênh tốt để tích lũy thay cho gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hay tích trữ vàng. Năm 2021 là thời điểm cho các nhà đầu tư cá nhân xem xét lại hoạt động kinh doanh, chuyển đổi từ những khoản đầu tư khác sang BĐS. Tuy vậy, NĐT cũng cần cân nhắc, nếu họ sử dụng đòn bẩy kinh tế thì liệu họ có còn khả năng chi trả cho đến lúc thị trường tốt như kì vọng để bán hay không? Đối với những người có năng lực tài chính dồi dào thì họ có thể “lướt”, không thì cho thuê, vì đó là tài sản của họ. Nhưng nhà đầu tư nếu phải dùng đòn bẩy quá lớn thì nên cân nhắc kỹ lưỡng.
Còn theo ông Mai Đức Toàn, tại thời điểm dịch bệnh đang diễn ra, NĐT nên cẩn trọng trước mỗi quyết định giao dịch. Vì hiện tại những dòng tiền chảy vào BĐS như kiều hối, tiết kiệm, sản xuất kinh doanh…, đều đang bị chậm hơn so với đầu năm. Chỉ khi nào dịch bệnh kết thúc, đồng thời các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế rõ ràng hơn, lúc đó mới có thể lạc quan về sức khỏe của thị trường BĐS. Chính vì vậy, thời điểm phục hồi của thị trường BĐS vẫn phải chờ cột mốc dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, khi đó thị trường BĐS mới có thể đoán định được.
“Tôi cho rằng, thị trường BĐS chưa thể “nóng” ngay sau khi kết thúc dịch bệnh, nhưng khả năng phục hồi là rất cao. Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát cộng với dòng vốn từ chứng khoán, vàng, tiết kiệm đổ về, BĐS vẫn sẽ là kênh sôi động trong cuối năm. Khả năng sốt đất vẫn có thể diễn ra tuy nhiên theo tôi chỉ là những cơn sốt cục bộ, diễn ra trong thời gian ngắn, ở địa phương có biến động mạnh về quy hoạch, giao thông hạ tầng. Việc diễn ra cơn sốt đất trên diện rộng như hồi đầu năm sẽ rất khó vì thị trường đang trong giai đoạn tự điều chỉnh sau cú bồi dịch bệnh và sốt ảo”, ông Toàn nhấn mạnh.