Lãnh đạo TP. Hà Nội và 4 tỉnh gồm: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đều thống nhất quan điểm rằng việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô lúc này là hết sức cần thiết, do đó cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.
UBND TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.
“Hết sức cần thiết”
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cho rằng tuyến đường Vành đai 4 đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 là tuyến đường cao tốc vành đai đi bằng, với quy mô dài 98km, đi qua 3 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, tiến độ xây dựng trước năm 2020. Tuy nhiên, đến nay tiến độ xây dựng theo quy hoạch đã chậm.
Lãnh đạo các địa phương nêu trên cũng cho rằng việc triển khai dự án đường Vành đai 4 có thể giúp phân luồng giao thông từ xa theo các hướng để phương tiện giao thông liên tỉnh không phải đi xuyên tâm, giảm lưu lượng qua khu vực đô thị trung tâm; giảm tải áp lực giao thông cho tuyến đường Vành đai 3 hiện tại.
Tuyến đường cũng sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh trong khu vực Vùng Thủ đô; từng bước hoàn thiện quy hoạch giao thông Thủ đô, quy hoạch giao thông các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh thuộc quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đã được phê duyệt
Dự án cũng sẽ tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa vành đai 3 và vành đai 4, tạo sức hút giãn mật độ dân cư khu vực trung tâm đô thị; phát triển chuỗi 5 đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên ), kết nối chùm đô thị TP. Hà Nội và các khu vực đô thị, công nghiệp vùng Thủ đô Hà Nội.
Các địa phương cũng cho rằng dự án sẽ tạo điều kiện thuận tiện kết nối giao thông giữa cảng hàng không quốc tế Nội Bài với các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô.
Đặc biệt, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 còn được cho là sẽ tạo điều kiện, tiền đề để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp , thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội , kinh tế đô thị và nông thôn khu vực 2 bên tuyến đường nói riêng và vùng Thủ đô, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Từ các phân tích trên, UBND TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc thống nhất quan điểm việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô tại thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và cần tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện.
Cũng trong tờ trình, các địa phương cho biết theo quy hoạch được phê duyệt, tuyến đường vành đai 4 dài khoảng 98km đi qua địa phận TP. Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km). Riêng 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến Vành đai 4.
Đề xuất xây đường trên cao
Trong tờ trình gửi Thủ tướng, UBND TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cũng đưa ra nhiều đề xuất mới về cơ chế, chính sách và phương án đầu tư so với quy hoạch đã được phê duyệt trước đây.
Cụ thể, đầu tiên là công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án được đề xuất thực hiện một lần theo chỉ giới đường đỏ (rộng 120m) bằng vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, thay vì tách thành các dự án độc lập, đầu tư từng phân đoạn theo địa phận của từng địa phương, các địa phương đề xuất triển khai đầu tư nối thông toàn tuyến, không chia nhỏ thành các đoạn nhằm đảm bảo tính kết nối.
Đặc biệt, các địa phương đề xuất ngoài quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cần nghiên cứu thêm phương án quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao thay cho việc đi bằng với quy mô 4 – 6 làn xe cao tốc.
Lãnh đạo TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng chấp thuận phương án đầu tư cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, tương tự như phương án đường cao tốc trên cao Vành đai 3 – Hà Nội đã xây dựng, khai thác.
Theo tính toán của các địa phương, nếu thực hiện đầu tư dự án theo phương án tuyến đi bằng, kinh phí xây dựng cần khoảng 105.000 tỷ đồng. Nếu triển khai làm cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, kinh phí xây dựng khoảng 135.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án ước tính khoảng 25.000 tỷ đồng (Hà Nội khoảng 16.000 tỷ đồng; Hưng Yên khoảng 3.500 tỷ đồng; Bắc Ninh khoảng 5.500 tỷ đồng).
Với mức kinh phí đầu tư xây dựng trên, việc đầu tư toàn bộ tuyến đường bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước là khó khả thi và thời gian thực hiện sẽ kéo dài. Vì vậy, các địa phương đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Trong đó, toàn bộ phần cao tốc đi trên cao sẽ thực hiện 100% bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Giao Hà Nội triển khai nghiên cứu và đầu tư toàn bộ tuyến đường
Cũng trong tờ trình, các địa phương kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội chủ trì tổ chức triển khai nghiên cứu và đầu tư toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 theo hình thức hỗn hợp gồm: đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Hà Nội cũng có nhiệm vụ tổ chức lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường đoạn qua địa bàn Hà Nội để quản lý, phát triển quỹ đất, kết hợp chỉnh trang và phát triển đô thị dọc 2 bên tuyến, tạo nguồn lực đầu tư phát triển.
UBND TP. Hà Nội cũng sẽ là cơ quan đầu mối thay mặt cho các địa phương chủ trì tổ chức triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán , ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Hưng Yên có nhiệm vụ phối hợp với UBND TP. Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải trong việc rà soát quy mô, quy hoạch chi tiết hướng tuyến, mặt cắt ngang từng đoạn tuyến Vành đai 4 thuộc địa bàn (bao gồm cả phương án cao tốc trên cao) để đảm bảo khớp nối đồng bộ trên toàn tuyến và phù hợp với các định hướng quy hoạch liên quan tại địa phương.
Bắc Ninh và Hưng Yên cũng cần tổng hợp toàn bộ các hồ sơ, tài liệu nghiên cứu liên đường Vành đai 4 trên địa bàn trong giai đoạn trước đây để tận dụng, kế thừa trong quá trình triển khai nghiên cứu đầu tư. Đồng thời, chủ động tổ chức rà soát quan đến tuyến các nội dung liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí quỹ đất bố trí tái định cư trên địa bàn.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và UBND Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên trong việc rà soát các quy hoạch liên quan, đặc biệt là mạng lưới đường giao thông có tính kết nối với tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô (tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Quốc lộ 2, dường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh…) để đảm bảo khớp nối đồng bộ ve quy hoạch, đầu tư nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư mạng lưới kết cấu hạ tầng khung của vùng Thủ đô.