Bà Rịa- Vũng Tàu: 150 người đứng tên trên 1 sổ đỏ

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, số lượng thửa đất ở, đất nông nghiệp có nhiều hộ gia đình, cá nhân chung quyền sử dụng đất (từ 3 hộ gia đình, cá nhân trở lên) từ năm 2018 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh lên đến hàng nghìn. Việc sở hữu chung cũng là một cách để sở hữu nhà ở với giá rẻ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trong đó thành phố Vũng Tàu 1.455 trường hợp, thành phố Bà Rịa 155 trường hợp, thị xã Phú Mỹ 1.026 trường hợp, huyện Châu Đức 75 trường hợp, huyện Đất Đỏ 473 trường hợp, huyện Long Điền 503 trường hợp, huyện Xuyên Mộc 78 trường hợp, huyện Côn Đảo 22 trường hợp. Cá biệt có trường hợp một miếng đất 1.000m2 nhưng tới 150 người đồng sở hữu, đứng tên trên sổ đỏ. Nghĩa là mỗi người sở hữu khoảng 6,6m2 đất.

Tạm dừng các thủ tục chuyển nhượng cho nhiều hộ gia đình

Trước bất thường trên, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn gửi Sở Tài nguyên – Môi trường, UBND các huyện, thị, thành phố và văn phòng đăng ký đất đai tỉnh về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất và thị trường bất động sản trên địa bàn trong đó yêu cầu tạm dừng các thủ tục chuyển nhượng cho nhiều hộ gia đình, cá nhân có chung quyền sử dụng một thửa đất (đất đồng sở hữu) đối với các trường hợp diện tích bình quân/hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong cùng một thửa đất thấp hơn diện tích tối thiểu tách thửa quy định trên địa bàn tỉnh.

Sở dĩ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho dừng bởi việc quá nhiều đứng tên trên sổ đỏ có dấu hiệu của việc phân lô bán nền. Trong khi đó, việc người dân mua đất phân lô, giấy tờ đồng sở hữu không chỉ gây rủi ro cho người mua mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý như quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư, chỉnh trang đô thị.

Quá nhiều rủi ro

Thời gian quan không chỉ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà tại nhiều địa phương xuất hiện hình thức mua bất động sản dạng đồng sở hữu. Sở dĩ tình trạng này nở rộ bởi theo khoản 2, điều 98 luật Đất đai, thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì sổ đỏ phải ghi đầy đủ tên những người có chung quyền sở hữu và cấp cho mỗi người 1 sổ đỏ.

Trường hợp các chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung 1 sổ đỏ và trao sổ đỏ cho người đại diện. Như vậy có thể thấy hiện nay luật quy định không hạn chế số người cùng đồng sơ hữu, cùng đứng tên trên một sổ đỏ và không giới hạn việc hạn chế cấp sổ đỏ cho người đồng sở hữu.

Một khu đất đồng sở hữu của nhiều người, được xây dựng nhà ở. Đây là một phương án giải quyết vấn đề nhà ở với chi phí thấp ở nơi có vị trí thuận lợi mà nếu sử dụng riêng rẽ sẽ có giá, chi phí sở hữu rất cao- ảnh minh họa

Theo luật sư Trần Thu, Đoàn luật sư TP.HCM, dù có tên trên sổ đỏ, nhưng một rủi ro lớn của người mua là rủi ro thanh khoản, bởi khi muốn chuyển nhượng phải được sự đồng ý của tất cả những người có tên trên sổ đỏ hoặc có văn bản uỷ quyền. Trường hợp không có sự đồng ý của các thành viên khác phải thực hiện việc tách thửa mới chuyển nhượng được.

Một rủi ro nữa là tách thửa. Thực tế việc tách thửa không hề dễ dàng vì việc tách thửa phải phù hợp với quy định của pháp luật và yêy cầu của chính quyền địa phương. Thông thường một lô đất muốn tách thửa được phải có hệ thống hạ tầng đảm bảo, diện tích tối thiểu với đất ở phải từ hàng trăm m2 và đất nông nghiệp thấp nhất là 500m2.
Không những vậy, việc quản lý nhà nước cũng gặp nhiều rủi ro, nhất là về quy hoạch, quản lý đô thị. Nhất là khi nhà nước thu hồi đất sẽ gặp khó khăn rất lớn vì phải thương lượng đền bù với quá nhiều người trên cùng một thửa đất.

Nguồn thông tin: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/bat-thuong-150-nguoi-dung-ten-tren-1-so-do-1444644.html?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews

Bình luận đã bị đóng.

Gọi ngay