Đất rẫy Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng “cọc sỉ” hàng chục lô???

“Những lô đất giá mềm từ 200- 500 triệu đồng vẫn có giao dịch đều. Thậm chí đã có khách vào ôm sỉ hàng chục lô”, một môi giới bán đất nền tỉnh chia sẻ.

Nếu khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu giao dịch phân khúc đất nền nhìn chung còn chậm thì khu vực Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum lại có giao dịch nhộn nhịp hơn.

Còn nhớ, các khu vực này đã từng lên cơn sốt đất “chóng vánh” trong giai đoạn giữa năm 2021 đến đầu năm 2022. Khi đó, nhiều mảnh đất vườn, đất rẫy, đất trồng cây cao su, cà phê… liên tục được rao bán sang tay với mức chênh hàng trăm triệu đồng. Nhiều nhà đầu tư đổ về đây ôm đất và sau đó “chới với” vì cơn sốt hạ nhiệt.

Đất Tây Nguyên từng được rao bán theo héc -ta hoặc vườn cây với giá khá mềm, từ vài triệu đồng mỗi m2. Mảnh đất hàng ngàn m2 rơi vào khoảng 200 triệu đến trên 1 tỉ đồng (tuỳ mảnh). Vì giá mềm cho nên giai đoạn nóng sốt, không chỉ nhà đầu tư các nơi về lướt sóng mà dân địa phương cũng vừa bán đất, vừa trở thành môi giới kiêm nhà đầu tư.

Đến nay, những lô đất được môi giới bán ra đa phần là của các nhà đầu từ đã từng mua vào trước đó. Với những lô đất diện tích lớn, hiện nhà đầu tư bán bằng giá mua vào hoặc giảm nhẹ. Trong khi đất diện tích nhỏ có giá vài trăm triệu đồng/nền giá không giảm so với đầu năm 2022, thậm chí tăng vài chục triệu đồng/lô.

Chị Minh, hiện là môi giới chuyên rao bán đất nền, nhà vườn khu vực Buôn Đôn, Ea Kar, Ea Sup (Đắk Lắk), Thành phố Pieiku; Đak Pơ, Đak Đoa, Chư Pah, Chư Sê (Gia Lai) và một số khu vực của Lâm Đồng cho biết, những bất động sản giá mềm vẫn có giao dịch đều. Đó là những nhà đầu tư địa phương có vốn ít sẽ tìm đất diện tích nhỏ để mua ở/mua làm hoặc đầu tư. Gần đây, thị trường cũng đã xuất hiện một số nhóm đầu tư gom “sỉ” nhiều nền lẻ.

Theo chị Minh, mới đây, có một nhà đầu tư nhờ môi giới tìm 11 lô đất tại khu vực Krong Năng (Đắk Lắk) và đã chuyển cọc. Đồng thời khá nhiều nhà đầu tư đã xuống cọc các lô đất giá mềm từ vài trăm triệu đồng/nền nằm rải rác tại Gia Lai và Đắk Lắk.

Thời gian qua, chị Minh cùng nhóm môi giới chuyên thị trường các khu vực này liên tục đăng tin và tìm nguồn hàng cho nhà đầu tư. Môi giới này cho biết, so với giai đoạn đầu năm 2023, hiện nhà đầu tư hỏi về nhà đất khu vực Đắk Lắk khá nhiều. Tuy nhiên, giao dịch chủ yếu diễn ra ở các nền giá mềm. Nguồn hàng từ 1,5 tỉ đồng trở lên còn giao dịch chậm.

Trong khi đó, tại khu vực Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An phân khúc đất nền thổ cư, đất vườn, đất nông nghiệp vẫn chưa có tín hiệu rõ nét. Nhiều nhà đầu tư vẫn ôm hàng chờ thời điểm phục hồi. Đây cũng là các khu vực có mặt bằng giá nhà đất đã tăng cao so với khu vực xa như vùng Tây Nguyên.

Hiện giá bất động sản các khu vực này đã có dấu hiệu giảm từ 15-30% so với thị trường đầu năm 2022, tuy nhiên tình trạng bán tháo chưa diễn ra ở các nhà đầu tư. Đa số dòng tiền nhà đầu tư bỏ ra để mua đất tỉnh không quá lớn, ít sử dụng đòn bẩy cho nên nhà đầu tư vẫn gồng được.

Nguồn: https://markettimes.vn/hy-huu-dat-ray-tay-nguyen-da-xuat-hien-tinh-trang-coc-si-hang-chuc-lo-45195.html

Bình luận đã bị đóng.

Gọi ngay