Theo các chuyên gia, việc “xuống tiền” thời điểm này cũng có thể giúp người mua bất động sản đón đầu xu hướng khi mà đại dịch Covid-19 được khống chế và các hoạt động kinh tế, xã hội dần bình thường trở lại. Dữ liệu cho thấy giá BĐS tăng trung bình 15-20% qua mỗi năm ở tất cả các phân khúc.
Rõ ràng, khi chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì thị trường BĐS vẫn còn phải phụ thuộc trực tiếp vào diễn biến của dịch bệnh. Tâm thế chung của thị trường BĐS hiện nay là chờ đợi. Mặc dù các giao dịch đang chững lại song một tín hiệu khả quan là chưa xuất hiện tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ giảm giá. Ngược lại, ở một số thị trường vẫn có dấu hiệu tăng giá. Điều này cho thấy, BĐS vẫn có lực hồi phục tốt sau dịch. Tuy nhiên, chu kỳ phục hồi ngắn hay dài sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm kết thúc của dịch bệnh.
Nhiều chuyên gia cùng nhận định, dù tâm lý thị trường có sự dao động do dịch diễn biến kéo dài, nhưng có thực tế là dòng tiền nhà đầu tư vẫn “tìm đường” vào BĐS, thị trường nhìn chung ổn định, không quá sụt giảm.
Báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng mới đây chỉ ra, quý 2/2021, toàn thị trường có có 29.949 giao dịch bất động sản thành công. Tổng lượng giao dịch bình quân bằng khoảng 118% so với quý trước và bằng khoảng101% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ tính tại Tp.HCM có 3.002 giao dịch thành công, bằng khoảng 87% so với quý trước. Giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương vẫn tăng bình quân khoảng 3% so với quý trước. Lượng giao dịch đối với nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 120% so với thời điểm cuối năm 2020.
Còn theo báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn, bất chấp những tác động tiêu cực nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, mức độ quan tâm tới BĐS đang tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, sau Covid-19 đợt 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau Covid-19 lần 2 tăng 62%, sau Covid-19 lần 3 tăng mạnh 378%.
Chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, dù nhu cầu thực giảm, nhưng tổng tiền vào thị trường tăng mạnh thời gian qua. Một lượng lớn tiền từ các lĩnh vực, thị trường khác như chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác đổ mạnh vào thị trường BĐS tìm cơ hội sinh lời. Điều này cho thấy BĐS vẫn là một kênh đầu tư, một nơi trú ẩn có sức hút với dòng tiền.
Cùng quan điểm, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, do các kênh vàng và chứng khoán đang có nhiều biến động không chắc chắn, lãi suất tiết kiệm cũng không cao. Trái phiếu doanh nghiệp cũng không còn hấp dẫn như trước, chưa kể cũng có những rủi ro tiềm ẩn. Do đó, dòng tiền của nhà đầu tư vẫn âm thầm đổ vào kênh an toàn hơn là BĐS.
Chưa kể, thời điểm này, để kích cầu, các chủ đầu tư đang rất tích cực tung ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn, nên cũng kích thích được nhu cầu của nhà đầu tư. BĐS vẫn là kênh có xu hướng tăng giá qua thời gian ở tất cả các phân khúc. Dữ liệu cho thấy giá BĐS tăng trung bình 15-20% qua mỗi năm ở tất cả các phân khúc.
Theo ông Matthew Powell – Giám đốc Savills Việt Nam lại, BĐS vẫn là kênh đầu tư có sức hút riêng và một khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương có thể thu hút không chỉ đầu tư nội tỉnh mà còn các nhà đầu tư từ các địa phương khác cũng như quốc tế. Các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng, cũng như các địa phương trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế sẽ vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Báo cáo mới đây của JLL cũng chỉ ra, đầu tư bất động sản Châu Á Thái Bình Dương nửa đầu năm 2021 tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực hậu cần và công nghiệp tiếp tục gia tăng, thị trường văn phòng và bán lẻ cũng ghi nhận sự phục hồi liên tục trong khu vực.
Ông Stuart Crow, Giám đốc bộ phận Thị trường vốn Châu Á Thái Bình Dương JLL cho hay, thị trường đầu tư bất động sản Châu Á Thái Bình Dương đang tươi sáng trở lại khi các nhà đầu tư tái khẳng định triển vọng tích cực của họ, đảm bảo dòng vốn gia tăng đáng kể so với năm trước. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều thương vụ hơn nữa trong nửa cuối năm 2021 khi các nhà đầu tư không ngừng tìm kiếm cơ hội mua bán và cho thuê lại bất động sản, đồng thời quan tâm đến các tài sản đa dạng trong lĩnh vực hậu cần và công nghiệp, khoa học đời sống và nhà ở đa thế hệ.
“Với khẩu vị đầu tư vào các loại tài sản linh hoạt và sự tăng trưởng của các thương vụ bán và thuê lại, chúng tôi kỳ vọng khối lượng đầu tư sẽ tăng từ 15 đến 20% cho cả năm 2021”, đại diện JLL nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc mang tiền đi đầu tư – chốt lời – mua đất để dành là câu chuyện quá quen thuộc. Bởi lẽ, tâm lý của nhà đầu tư luôn muốn tìm kiếm 1 kênh trú ẩn an toàn và đây là lý do BĐS luôn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu. Trên thực tế, nếu đổ tiền vào BĐS trong dài hạn tỷ suất lợi nhuận của nhà đất luôn cao hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác.
Chưa kể, nếu thị trường chứng khoán có biến động tiêu cực, nhà đầu tư tài chính nhiều khả năng quay lại thị trường địa ốc để tìm một bến đỗ an toàn hơn. Thực tế trên thị trường thì có lượng đầu tư lớn vẫn đang chờ đợi bỏ tiền vào BĐS.
(nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/tam-ly-bi-dao-dong-nhung-dong-tien-van-tim-duong-vao-bat-dong-san-4202198832282.htm)