Cần 100 nghìn tỉ đầu tư để Bắc Ninh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương?

Bắc Ninh: Thiếu 2 tiêu chí lên thành phố trực thuộc Trung ương

Trong các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hiện Bắc Ninh còn thiếu 2 tiêu chí. Trong đó, khó khăn nhất là tiêu chí về diện tích tự nhiên (tỉnh chỉ có diện tích 800km2 so với tiêu chuẩn 1.500km2 đối với TP trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 1211/2016).

Bắc Ninh- phấn đấu trở thành thành phố Trực Thuộc trung ương

Còn thiếu 2 tiêu chí

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210/2016 về phân loại đô thị và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1211/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Vấn đề lớn được lãnh đạo Quốc hội quan tâm, đặt vấn đề là: Nếu theo nghị quyết này thì tỉnh Bắc Ninh có lên được thành phố trực thuộc Trung ương không, khi diện tích của tỉnh này chỉ có 800km2?

Vấn đề này đã nhận được sự quan tâm của dư luận, khi Bắc Ninh những năm gần đây đã trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Cụ thể, năm 2021, quy mô nền kinh tế Bắc Ninh đứng thứ 8 toàn quốc; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997 -2021 đạt 13,9%/năm; GRDP (theo giá so sánh) năm 2021 đạt 133,6 nghìn tỉ đồng, chiếm 2,71% GDP cả nước, đứng thứ 13 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước. Cùng với đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.504 nghìn tỉ đồng, đứng thứ nhất cả nước.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Vương Quốc Tuấn, Uỷ viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong 5 tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Bắc Ninh đã đáp ứng được các tiêu chí như: Quy mô dân số từ 1,5 triệu người trở lên; Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc và cơ cấu trình độ phát triển kinh tế – xã hội, cụ thể là: Cân đối thu, chi ngân sách; tỉ lệ hộ nghèo; tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

“Còn tiêu chí diện tích (tỉnh chỉ có diện tích 800km2 so với tiêu chuẩn 1.500km2 đối với TP trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 1211/2016), sắp tới sửa Nghị quyết 1211 và Nghị quyết 1210 tới đây sửa thì sẽ có đặc thù. Tiêu chí về hạ tầng thì tỉnh hiện vẫn đang triển khai, hoàn thiện”.

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh xác định tập trung quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, hoàn thành việc nâng cấp các đô thị nhằm nâng cao tỉ lệ đô thị hóa để hoàn thiện tiêu chí còn thiếu.

Cần 100 nghìn tỉ đồng đầu tư để trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương

Theo thống kê của UBND tỉnh Bắc Ninh, địa phương này xác định cần hơn 5 tỉ USD vốn đầu tư, tương đương 100.000 tỉ đồng để hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, tỉnh xác định nguồn vốn Nhà nước sẽ đáp ứng được khoảng 40%, tập trung vào những tiêu chí cấp bách và 60% còn lại sẽ là xã hội hoá.

Theo đó, các ngành chức năng của tỉnh cũng sẽ rà soát, phân tích các tiêu chuẩn, nhóm điểm chưa đạt và đề xuất các dự án, công trình ưu tiên đầu tư, hoàn thiện theo đúng yêu cầu; đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả. Trong đó, tích cực phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, hoàn thành việc nâng cấp các đô thị nhằm nâng cao tỉ lệ đô thị hóa.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, 5 năm tới, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ cân đối đầu tư được khoảng 30.000 – 40.000 tỉ đồng, còn lại là đầu tư bằng xã hội hoá.

Cụ thể, tỉnh thực hiện các khu công nghiệp, đô thị lớn trên địa bàn, làm hạ tầng đồng bộ các tuyến đường trục chính, phục vụ cho dự án và nhu cầu đi lại của người dân.

Định hướng của Bắc Ninh là xây dựng các khu đô thị có diện tích lớn, đồng bộ hàng trăm hécta. Tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư phải hoàn thiện toàn bộ các trục đường và hệ thống hạ tầng – xã hội xung quanh, áp dụng cho cả các nhà đầu tư công nghiệp.

Tỉnh sẽ xây dựng hạ tầng để nâng cấp 5 đơn vị hành chính cấp huyện phía Bắc sông Đuống đạt tiêu chí quận. Cùng với đó, tỉnh thành lập các khu công nghiệp mới, phát triển các khu đô thị lớn như: Khu Đông Nam thành phố Bắc Ninh có diện tích khoảng 1.000ha; khu đô thị du lịch sinh thái văn hóa nghỉ dưỡng khoảng 1.400ha; khu đô thị du lịch Phật Tích 1.000ha, khu đô thị nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí Thuận Thành 1.200ha.

Khi Bắc Ninh chính thức lên thành phố trực thuộc Trung ương, các khu đô thị này sẽ tạo động lực phát triển, tác động mạnh mẽ đến kinh tế – xã hội. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị trở thành tiền đề quan trọng, thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đặc biệt, tạo sức bật cho kinh tế Bắc Ninh phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh xác định phát triển công nghiệp với 5 khu công nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt là động lực chính. Một trong số các khu công nghiệp đó là, khu công nghiệp VSIP 2, khu công nghiệp Thuận Thành 1, Gia Bình 1-2 và Quế Võ 3.

Nguồn tham khảo: https://laodong.vn/thoi-su/bac-ninh-thieu-2-tieu-chi-len-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-1097328.ldo?

Khu công nghiệp Quế Võ 2 giai đoạn 1 và 2 cùng các đầu mối giao thông, cảng cạn, bến xe Phía Đông (bến xe cấp tỉnh) trong khu vực này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phấn đấu đưa Bắc Ninh nhanh chóng trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương.

 

Bình luận đã bị đóng.

Gọi ngay